Đất khai hoang ngày nay không còn được nhắc đến nhiều nhưng những vấn đề thực tế liên quan đến đất khai hoang lại không ít. Tuy nhiên nhiều người vẫn có thắc mắc đất khai hoang là gì? Liệu có cấp sổ đỏ được không và những quy định liên quan đến đất khai hoang như nào?
Nếu bạn cũng đang quan tâm thì qua bài viết này datnenthocu.org sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi đất khai hoang là gì và những thông tin hữu ích về đất khai hoang.
Đất khai hoang là gì?

Trong Luật đất đai 2013 không có quy định đất khai hoang là gì nhưng trong Thông tư số 52/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn có giải thích về đất khai hoang. Tuy hiện nay Thông tư này đã hết hiệu lực pháp luật nhưng có thể dựa vào đó để hiểu hơn về đất khai hoang.
Theo đó đất khai hoang là đất đang để hoang hóa, đất khác đã quy định cho sản xuất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vậy ta có thể hiểu đất khai hoang do người dân tự do khai phá những vùng đất đang bỏ hoang, không thuộc sở hữu của cá nhân hay hộ gia đình khác, cũng không thuộc sử quản lý của các tổ chức khác do Nhà nước giao cho. Việc sử dụng đất này không có giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Đất khai hoang liệu có được cấp sổ đỏ?
Đã biết đất khai hoang là gì thì tiếp theo cùng đi tìm hiểu xem đất khai hoang có được cấp sổ đỏ không.

Sổ đỏ là tên thường ngày do người dân gọi các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Các loại giấy tờ này được quy định tại điều 100 Luật đất đai 2013 gồm có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Tuy nhiên kể từ ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực, các loại giấy tờ trên được thống nhất thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (dưới đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).
Cấp sổ đỏ cho đất khai hoang cần những điều kiện gì?
Hiện nay không có điều khoản riêng quy định về đất khai hoang là gì và đất khai hoang có được cấp sổ đỏ không. Tuy nhiên theo Luật đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật đất đai 2013 thì đất khai hoang vẫn có thể được cấp sổ đỏ (hay Giấy chứng nhận) nếu đạt đủ điều kiện theo quy định.
Nếu có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1 điều 100 Luật đất đai thì đất khai hoang được cấp sổ đỏ theo quy định.
Tuy nhiên đất khai hoang thường là do người dân tự do khai hoang, đa phần chưa có các giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng đất. Điều kiện để được cấp sổ đỏ trong trường hợp này thì căn cứ vào điều 101 Luật đất đai 2013 và hướng dẫn thực hiện tại nghị định 43/2014/NĐ-CP Điều 20, điều 21, điều 22. Hiểu đơn giản thì gồm các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, đủ điều kiện tại khoản 1 điều 101 Luật đất đai thì được cấp sổ đỏ, tức là:
Sử dụng đất trước ngày Luật đất đai có hiệu lực (tức ngày 01/07/2014).
Hộ khẩu thường trú là tại địa phương.
Trực tiếp sản xuất nông lâm thủy sản, làm muối tại địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn;
UBND xã nơi có đất xác nhận: mục đích sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Trường hợp thứ hai, theo Khoản 2 điều 101 và khoản 5 điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành cấp Giấy chứng nhận với trường hợp không có giấy tờ đất và không vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó quy định việc cấp giấy chứng nhận cần điều kiện sau:
Sử dụng đất ổn định với mục đích nông nghiệp.
Từ trước 01/07/2004.
UBND xã xác nhận là đất không có tranh chấp.
Mục đích sử dụng đất:
Nếu người sử dụng đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp sổ đỏ đối với diện tích đất không vượt quá hạn mức đất nông nghiệp được giao, nếu có phần vượt quá thì chuyển hình thức cho thuê đất Nhà nước.
Nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận theo hình thức thuê đất Nhà nước.
Nếu đất nông nghiệp có nhà ở, công trình khác nhưng không được công nhận là đất phi nông nghiệp thì được cấp giấy chứng nhận theo mục đích đang sử dụng.
Trường hợp thứ ba, theo khoản 4 điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về cấp giấy chứng nhận đối với đất không có giấy tờ và có vi phạm pháp luật đất đai. Nếu người sử dụng đất tự do khai hoang từ trước 01/07/2014 phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, được xác nhận là không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức của UBND tỉnh quy định, nếu vượt qua hạn mức này phải chuyển sang thuê.
Giải thích thế nào là sử dụng đất ổn định trong điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có nêu, sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận.
Nói chung điều kiện để cấp sổ đỏ cho đất khai hoang rất phức tạp và tùy vào từng tình huống cụ thể, để biết rõ hơn hoàn cảnh của bản thân có được cấp sổ đỏ hay không có thể đến các văn phòng đất đai hoặc nhờ luật sư tư vấn kỹ hơn.
Quy trình thủ tục cấp sổ đỏ cho đất khai hoang.

Nếu đủ điều kiện được cấp sổ đỏ, cần thực hiện những bước sau để xin cấp sổ đỏ cho đất khai hoang.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ. Gồm có:
Đơn đăng ký theo mẫu của Bộ tài nguyên môi trường.
Giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất nếu có.
Giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ tài chính: biên lai nộp thuế hoặc giấy miễn giảm thuế.
Giấy tờ cá nhân như CMND, Sổ hộ khẩu.
Các giấy tờ trên chuẩn bị bản photo có công chứng mang kèm bản gốc để đối chiếu.
Bước 2: Nộp hồ sơ.
Nộp hồ sơ tại các văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở tài nguyên môi trường. Khi tiếp nhận hồ sơ, nếu giấy tờ còn thiếu sẽ được nhận được thông báo hướng dẫn trong vòng 03 ngày làm việc.
Bước 3: Thẩm định.
Cơ quan đăng ký đất đai sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ của bạn theo các yêu cầu của pháp luật.
Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Nếu hồ sơ được thông qua, bạn cần thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo thông báo như tiền thuế, tiền thẩm định, ….
Lưu ý cần hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới nhận được giấy chứng nhận. Hãy giữ lại biên lai chứng từ sau khi nộp tiền để xuất trình nếu được yêu cầu.
Bước 5: Nhận giấy chứng nhận.
Khi mua đất khai hoang nên chú ý những gì?

Vậy datnenthocu.org đã giúp bạn giải thích về đất khai hoang là gì và điều kiện để cấp sổ đỏ cho đất khai hoang. Nếu bạn có ý định mua hoặc quan tâm đến đất khai hoang thì hãy lưu ý những điều dưới đây khi tìm hiểu đánh giá đất.
Tính pháp lý của mảnh đất.
Để đảm bảo việc giao dịch mua bán đất là hợp pháp, hãy yêu cầu bên bán xuất trình các giấy tờ liên quan đến mảnh đất. Tốt hơn hết là mảnh đất đã được cấp sổ đỏ.
Nếu mảnh đất đó chưa có sổ đỏ thì cần đảm bảo nó đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Việc mua mảnh đất chưa có sổ đỏ có thể mang lại cho bạn những rủi ro tiềm ẩn không hề nhỏ.
Nếu mảnh đất đó được cấp giấy chứng nhận theo hình thức thuê đất của Nhà nước, bạn cần xem thời hạn sử dụng đất. Đất hết hạn sử dụng sẽ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Kiểm tra quy hoạch của mảnh đất.
Việc mua mảnh đất thuộc quy hoạch đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt có thể mang lại nhiều phiền phức, hạn chế cho bạn.
Để biết mảnh đất có thuộc quy hoạch đất không có thể tìm hiểu qua các phương tiện sau:
Cổng thông tin điện tử của xã phường nơi có mảnh đất.
Nhờ bên văn phòng đất đai tư vấn thông tin.
Hỏi thăm thông tin từ người dân sinh sống gần nơi có đất.
Tìm hiểu các vấn đề tranh chấp xung quanh mảnh đất.
Việc mảnh đất đang có tranh chấp về bất cứ vấn đề nào như tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp ranh giới, lối đi… thì đều không thể thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Những vấn đề liên quan đến tranh chấp có thể lấy thông tin từ UBND xã nơi có đất hoặc người dân xung quanh.
Đánh giá vị trí địa lý của mảnh đất.
Tìm hiểu vị trí địa lý của mảnh đất liên quan đến các vấn đề như đường xá, khoảng cách đến các nơi trung tâm, khu dân cư,… để xem có phù hợp với mục đích mua đất của mình không hoặc có tiềm năng phát triển không.
Người bán đất.
Người bán đất cũng cần phải nắm thông tin rõ ràng. Bạn có thể yêu cầu họ cho xem các giấy tờ tùy thân như CCCD/CMND, sổ hộ khẩu, nơi làm việc,..
Để chắc chắn hơn có thể hỏi thăm thêm thông tin từ người dân nơi họ cư trú để xác minh thông tin bên bán cung cấp.
Hãy yêu cầu sự đồng ý và tham gia giao dịch của cả hai bên vợ chồng (nếu có)
Hợp đồng mua bán đất.
Không chỉ mua bán đất, bất cứ giao dịch nào cũng cần đọc kỹ hợp đồng trước khi ký để đảm bảo hiểu rõ hết những quy ước trong hợp đồng, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Hợp đồng cần có người làm chứng và nên được công chứng. Để tăng thêm tính tin cậy, việc giao dịch nên nhờ những người có uy tín giúp đỡ làm chứng và ký vào hợp đồng.
Kết luận.
Hi vọng qua bài viết của datnenthocu.org các bạn đã hiểu hơn về đất khai hoang là gì và những quy định về đất khai hoang.
Việc cấp sổ đỏ cho đất khai hoang rất phức tạp, điều kiện tùy trường hợp cụ thể do vậy để hạn chế rủi ro, khi mua đất khai hoang nên mua đất đã cấp sổ đỏ.
Để biết thêm những rủi ro có thể gặp khi mua đất không có sổ đỏ, các bạn có thể tham khảo bài viết: Đất không có sổ đỏ và 6 rủi ro nên biết khi mua.
Bài viết tham khảo:
Đất 5 Là Gì? Quy Định Cụ Thể Về Đất 5